Bài học quý đúc kết từ cả đời cựu thủ tướng Đài Loan

00:18 |

Một bài học quý giá đúc kết từ suốt cuộc đời của cựu thủ tướng Đài Loan được gói gọn trong một bức thư mà ông Sun Yun-suan gửi cho con trai mình, vô cùng tâm đắc.

Không chỉ là quý giá, cũng chẳng phải chỉ có đọc thấy hay mà thực sự bài học mà cựu thủ tướng Sun Yun-suan của Đài Loan gửi cho con trai ông còn chân thực đến từng câu từng chữ, nhìn thẳng vào vấn đề và không hề né tránh, không huyễn hoặc một tương lai tươi đẹp để hy vọng nhưng cho thấy thực tại rõ ràng bằng lời lẽ hình tượng nhẹ nhàng mà sâu thấm, đó là cảm giác của blog tin tức Bồ Câu Số khi đọc nội dung lá thư.

Sau đây mình xin dẫn lại nội dung bài học cuộc sống ngắn gọn mà thâm túy ẩn chứa đầy đủ tri thức thực tiễn cuộc sống qua Bài học cuộc sống từ lá thư cựu thủ tướng Đài Loan gửi con mà VnExpress đã đăng tải:

Sun Yun-suan là nhà kinh tế, chính trị Đài Loan. Lá thư ông gửi con trai chia sẻ những bài học từ trải nghiệm thực tế, được lan truyền vì ý nghĩa sâu sắc.

Ông Sun là Bộ trưởng Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm người đứng đầu chính quyền Đài Loan từ năm 1978 đến 1984. Tháng 2/1984, ông bị đột quỵ do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2/2006, ông qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi.

Ngoài các tác phẩm về kinh tế, chính trị, người ta quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con. Lá thư giản dị, chân thành là những bài học cuộc sống ông muốn gửi gắm đến các con. Dưới đây là nội dung lá thư đầy ý nghĩa, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và lan truyền trên nhiều mạng xã hội, diễn đàn thời gian qua:

"Con trai yêu quý,

Cuộc sống luôn có cả phước lành lẫn tai họa và không ai biết mình có thể sống được bao lâu, vì thế có những điều nói ngay bây giờ tốt hơn để sau.

Bố là bố của con và nếu bố không nói với con những điều này, sẽ không ai nói cả. Đây là những lời đúc kết của bố từ nhiều năm trải nghiệm, qua những thất bại, đắng cay trong bôn ba cuộc đời. Bố hy vọng con sẽ không lặp lại những sai lầm bố từng mắc:

Ông Sun Yun-suan và vợ lúc sinh thời. Ảnh: Mag.udn.com.

1. Trên đường đời, con sẽ gặp những người đối xử tệ với mình. Đừng để tâm. Không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con, trừ bố mẹ. Đối với những người đối xử tử tế với con, hãy trân trọng và biết ơn, nhưng cũng hãy đề phòng họ. Họ có thể đối tốt với con vì mục đích nào đó. Hãy tìm hiểu động cơ thực sự. Đừng vội kết luận một người là tốt chỉ đơn giản vì họ ưu ái con.

2. Không ai là không thể thay thế. Không có thứ gì trên thế giới này con phải bám chặt lấy hay cố sở hữu bằng mọi giá. Nếu con hiểu điều này, thì về sau, dù mất bất cứ điều gì trong đời, con vẫn có thể đứng vững.

3. Cuộc đời rất ngắn ngủi. Đừng phí thời gian và năng lượng vào những người, việc, thứ không cần thiết. Nếu con làm vậy, sau này con sẽ nhận ra rằng con đã lãng phí tất cả những ngày tháng qua.

Nhận ra điều này càng sớm, con càng tận hưởng được cuộc sống nhiều hơn. Hãy luôn trân trọng và tận hưởng cuộc sống. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc cố gắng kéo dài tuổi thọ.

4. Không có gì trên thế giới là mãi mãi, kể cả tình yêu. Tình cảm có thể thay đổi theo thời gian. Nếu một ngày nào đó con mất đi người con từng yêu tha thiết, hãy nhẫn nại. Đừng cố níu kéo những gì đã mất hay phóng đại cảm xúc của mình. Thời gian sẽ làm dịu nỗi đau. Thời gian sẽ hàn gắn tất cả.

5. Không phải tất cả những người thành công đều học hành đến nơi đến chốn, nhưng điều này không có nghĩa là con có thể bỏ bê việc học của mình. Kiến thức con có được là tài sản lớn nhất của con.

Con có thể thay đổi từ tay trắng lên anh tài và biến không thành có. Chúng ta không thể làm được những điều này nếu không có kiến thức, kỹ năng. Hãy nhớ kỹ.

6. Bố không mong đợi con sẽ chăm lo cho bố khi bố về già. Cũng vậy, bố không có trách nhiệm phải bao bọc con khi con đã trưởng thành. Nhiệm vụ của bố được coi là đã hoàn thành khi con lớn lên và trở thành một người độc lập.

Con có thể đi xe bus hay lái xe Benz đắt tiền. Tương tự, con có thể ăn mì gói hay bào ngư. Lựa chọn đó thực sự do con.

7. Con có thể hứa hẹn với mọi người nhưng con không được phép yêu cầu họ cam kết với con. Con có thể đối xử tốt với người ta nhưng đừng hy vọng họ đáp lại con như vậy. Con đối xử với họ như thế nào không có nghĩa là họ phải đối lại với con như thế ấy. Nếu con không thể nhìn thấu điều này, về sau con sẽ chỉ có thêm nhiều đau khổ, thất vọng.

8. Rất nhiều người mua vé số suốt nhiều năm nhưng cuối cùng họ vẫn trắng tay, nghèo đói. Để thành công hay giàu có, con đều phải nỗ lực hết mình. Có một điều đơn giản cần nhớ là: Trên thế giới này không có gì miễn phí.

9. Chúng ta ở bên nhau như một gia đình chỉ trong cuộc đời này thôi, dù con thích hay không. Vì thế, hãy trân trọng và nâng niu khi chúng ta bên nhau, chia sẻ, gắn bó. Dù muốn hay không, chúng ta sẽ không thể gặp nhau ở kiếp sau.

Cuối cùng, có một lưu ý nhỏ cha muốn chia sẻ với con: Hãy đền đáp lòng tốt của cha mẹ, chăm sóc cho sức khỏe và trạng thái cân bằng của bản thân. Ăn uống điều độ, trò chuyện ôn hòa. Trẻ nhỏ cần được dạy bảo. Đau ốm cần phải chữa trị. Các mối quan hệ cần phải nuôi dưỡng, sống hướng tới sự hoàn thiện.

Tác giả của bức thư, người thầy của bài học, người cha của kẻ nhận, một cựu thủ tướng uyên bác và có cái nhìn chân thực và đầy hiểu biết, bài học của ông không chỉ đúng với đứa con trai mà ông muốn dạy dỗ, mà nó còn y giá trị đúng cho tất cả mọi người, ngắn gọn không quá chi tiết nhưng gần như là nói đâu đúng đó nên có thể xem đây là kim chỉ nam cho cuộc sống.

Hạt Đậu Nhỏ

Con bạn sẽ giỏi hơn nếu học hè, đúng hay sai?

17:35 |

Phụ huynh nào cũng muốn con mình hơn người, vậy cách nghĩ con bạn sẽ giỏi hơn nếu được cho học hè thêm là đúng hay sai? Có nên cho học hè hay không?

Cho con đi học hè thêm sẽ giúp các cháu giỏi hơn, đây là tâm lý chung của hầu hết mọi phụ huynh, cũng là lối suy luận đơn giản thấy hợp lý, tuy nhiên tâm trí con người là một vũ trụ thu nhỏ còn chưa khám phá hết, nó không đơn giản là thế này hay thế khác nên đôi khi có ép quá lại có tác dụng ngược, đàn căng quá thì đứt dây. Ngoài ra, khả năng tiếp thu phụ thuộc lớn vào thiên bẩm và cách thức truyền thụ kiến thức như thế nào, khối lượng thời gian dành cho việc học cũng quan trọng như ở dạng thứ yếu hơn.

Trẻ mệt mỏi vì học quá nhiều sẽ khó lòng tiếp thu được hết những gì được dạy.

Sau đây blog tin tức Bồ Câu Số sẽ trích dẫn lại nội dung một bài báo trên VnExpress với thắc mắc của một phụ huynh về việc có nên cho con đi học hè hay không và phần giải đáp của chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh thuộc Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc cho vấn đề này:

Vợ chồng tôi dự định hè này sẽ cho con đi học thêm các môn Toán, Văn, Anh văn, Vật lý và Hóa học để cải thiện kết quả học tập của cháu.

Con tôi hết hè này vào lớp 9. Năm trước, ngoài việc học ở trường, tôi cho cháu đi học thêm các môn Văn, Toán, Anh văn, Hóa học ở trường và trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Ngoài ra, buổi tối ở nhà cháu còn được gia sư kèm cặp thêm. Tuy nhiên, kết quả học tập của cháu vẫn không đạt được như mong muốn. Cháu cũng đạt được học sinh giỏi nhưng thứ hạng và điểm số không cao, làng nhàng ở mức điểm 8 hoặc 8,5.

Ngoài ra, cô giáo dạy Toán cho biết là cháu học môn hình học không tốt lắm. Cháu cũng không đạt kết quả như ý trong kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi Toán, tiếng Anh của trường cũng như kỳ thi giải toán qua mạng Internet. Vì vậy, vợ chồng tôi dự định hè này sẽ cho cháu đi học thêm các môn trên, hy vọng sẽ cải thiện kết quả học tập của cháu, và cũng nhằm chuẩn bị cho cháu đủ lực để thi vào trường phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia TP HCM.

Xin hỏi cách học nào hiệu quả nhất để giúp cháu có thể đạt được những mục tiêu do gia đình đề ra? (Nguyễn Trần Mai Hoa).

Trả lời:

Tôi hiểu rằng chị rất lo lắng và quan tâm đến việc học của con mình. Có vẻ như chị không tiếc tiền của để đầu tư vào việc học của con, đặt khá nhiều kỳ vọng lên cháu. Chỉ tiếc một điều, hình như con chị chưa đáp ứng được trọn vẹn kỳ vọng đó của cha mẹ.

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem tại sao cháu lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của gia đình và kết quả học tập chưa được như mong muốn chị nhé.

Điều đầu tiên ghi nhận được đó là cháu cũng khá nỗ lực trong việc học của mình. Rõ ràng trong năm học vừa qua, với lịch học dày đặc như chị đã nêu, con chị cũng phải cố hết sức để có thể đảm bảo được một lịch học như vậy. Xét cho cùng, kết quả bé đạt được cũng không phải là tệ khi điểm tổng kết trên 8 (điểm giỏi).

Tuy nhiên, có bao giờ chị nghĩ rằng cháu đang bị trạng thái “bội thực kiến thức” do phải học quá nhiều không? Cháu bị bội thực vì không kịp tiêu hóa kiến thức tiếp thu được để chuyển hóa thành kiến thức của mình, và việc bé đang gặp phải vấn đề ở bộ môn hình học của môn Toán. Có lẽ, rõ nét nhất là việc cháu không vượt qua được kỳ thi Vi-olympic Toán và kỳ thi chọn đội tuyển toán của trường - 2 kỳ thi đòi hỏi sự tư duy nhanh nhạy chính xác từ chính bản thân của mỗi học sinh.

Bên cạnh đó, chị cần lưu ý đến khả năng bẩm sinh của cháu. Tất nhiên chúng ta không phủ định vai trò của sự khổ luyện, nhưng khổ luyện chỉ giúp phát triển khả năng đến một mức nhất định, còn muốn đến mức độ “nghệ thuật” thì bắt buộc phải có yếu tố năng khiếu trong đó. Điều này chị có thể nhìn thấy rõ trong tên của trường phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia TP HCM, ngôi trường dành cho các học sinh có năng khiếu thực sự.

Vì thế, biện pháp tôi đề xuất với gia đình chị trong hè này là nên bớt đi áp lực học tập quá nhiều hiện nay cho cháu.

Thay vì đi học thêm nhiều như kế hoạch, chị nên trao đổi với gia sư ở nhà, rà soát lại kiến thức cũ của cháu ở môn Toán, đặc biệt là môn hình học, để phát hiện ra cháu đang bị tắc nghẽn ở phần nào, có những lỗ hổng nào về mặt kiến thức. Từ đó, gia sư cùng cháu giải quyết yếu tố gây tắc nghẽn, lấp đi chỗ hổng, và giúp cháu có cơ hội cũng như thời gian tiêu hóa số kiến thức cũ đã tích lũy lâu nay.

Ngoài ra, không nhất thiết phải bắt cháu đi học thêm vì đa phần các nơi dạy thêm có khuynh hướng dạy trước chương trình. Như thế sẽ làm cháu cảm thấy nhàm chán khi vào học chính khóa, không tập trung và chủ quan vì cho là mình biết rồi. Lúc đó thì lợi bất cập hại.

Thay vì một kế hoạch học dày đặc trong hè, chị và gia đình nên cho cháu một kế hoạch học nhẹ nhàng kết hợp với các hoạt động chân tay ngoài trời (học bơi, học võ, tham gia câu lạc bộ bóng đá…), để giúp cho cháu có được sự thư giãn hoàn toàn sau một năm học căng thẳng. Như thế cũng nhằm tăng cường sức khỏe giúp đảm bảo cho một năm học căng thẳng sắp tới ở lớp 9.

Điều cuối cùng, xin lưu ý rằng, là bố mẹ thì luôn luôn đặt rất nhiều kỳ vọng vào con em mình. Nhưng đừng để những kỳ vọng như vậy trở thành gánh nặng trên vai con cái. Sức cháu chỉ gánh nổi 10 kg thì chỉ nên bắt cháu gánh tối đa 11 hoặc 12 kg thôi, chứ nếu bắt cháu gánh 15 kg, 20 kg chắc hẳn sẽ đến một lúc cháu kiệt sức và buông xuôi. Như thế thì bố mẹ lại rơi vào tình trạng xôi hỏng bỏng không.

Tóm lại, hãy cho cháu có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, đề ra yêu cầu vừa sức và hài lòng với sự nỗ lực hết mình của con cái chị nhé.

Với các phần phân tích trong lời giải đáp ở trên của chuyên viên Phạm Phúc Thịnh, bạn đọc cũng đã có thể nhìn ra được vấn đề không nằm ở khối lượng tri thức và thời gian, càng nhồi sẽ càng "bội thực" và gây ra hiệu quả trái ngược, sự hài hòa trong lối sống kết hợp cách dạy con theo hướng giáo dục logic sẽ là giải pháp hiệu quả hơn cả, thay vì hỏi nên tăng thời lượng học của con em mình hay không thì nên hỏi rằng nên dùng phương pháp dạy dỗ nào tốt nhất!

Hạt Đậu Nhỏ

Những nguy cơ khi sinh con lúc lớn tuổi

21:51 |

Phàm điều gì cũng có thời khắc của nó, sinh đẻ cũng vậy, nếu để đến khi lớn tuổi về già mới sinh con sẽ rất dễ gặp phải những nguy cơ lớn.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Quan niệm có thai là của trời thương ban cho nên nhiều người dù ngoài 40 nhưng vẫn vô tư sinh con khi lỡ "dính bầu", nhưng thật sự điều này sẽ gây nguy hại đến cho đứa con đó của bạn.

Mẹ lớn tuổi dễ sinh con dị tật

Khi phụ nữ bước sang tuổi 35, sức khỏe cũng như chất lượng của trứng không còn tốt như lúc trước, tỷ lệ thụ thai kém hơn khi còn trẻ, độ giãn nở của khung chậu đã bị hạn chế nên việc mang thai và sinh nở lần đầu có nhiều rủi ro cho cả mẹ lẫn con. Các nguy cơ khi sinh con muộn thường gặp là: sẩy thai, đẻ non, tiền sản giật, thai lưu, đẻ khó,... Mang thai khi đã lớn tuổi thì tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể cao nên tỷ lệ con mắc bệnh đần độn (Down) ở các bà mẹ này thường cao hơn bình thường. Nguy cơ càng tăng khi tuổi mang thai càng cao.

Bố lớn tuổi con sinh ra cũng lắm nguy hiểm

Theo một nghiên cứu được thực hiện gần đây bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Não Queensland, Australia, trẻ em do người bố cao tuổi sinh ra dễ có đột biến di truyền liên quan đến bệnh tự kỷ và trẻ em sinh ra từ các ông bố trên 40 tuổi có nguy cơ bị tự kỷ cao gấp 6 lần trẻ em sinh ra bởi các ông bố dưới 30 tuổi. Trẻ còn có thể bị suy yếu não nghiêm trọng và thường có chỉ số IQ thấp hơn những đứa trẻ khác.

Đồng thời, những ông bố cao tuổi không được chuẩn bị tốt về cả mặt tâm lý và sức khỏe cho việc sinh và nuôi con. Do tuổi tác, họ khó tính và có khuynh hướng ít tha thứ cho sự hiếu động, nghịch ngợm của trẻ. Các ông bố nhiều tuổi cũng ít thể hiện cảm xúc nồng ấm với đứa trẻ khiến con của họ dễ bị tự kỷ, có xu hướng sợ bố và có dấu hiệu lệch lạc giới tính vì chỉ gần gũi mẹ.

Còn các nhà khoa học tại Viện Karolinska (Thụy Điển) và Đại học Bristol (Anh) đã phân tích hồ sơ y khoa của 700.000 người được sinh ra trong thời gian từ năm 1973 đến 1980. Họ nhận thấy, những trẻ có bố lớn tuổi có nguy cơ bị tâm thần phân liệt cao hơn hẳn những trẻ khác khi lớn lên. Khoảng 15,5% ca bệnh tâm thần phân liệt trong số đối tượng được nghiên cứu có bố trên 30 tuổi tại thời điểm ra đời. Theo phân tích này, đàn ông ở tuổi 50 trở lên có tỉ lệ sinh con bị tâm thần phân liệt cao gấp 3 lần đàn ông 25 tuổi. Họ cũng ước tính rằng khoảng 1/4 trường hợp bị tâm thần phân liệt là do được sinh ra bởi các ông bố cao tuổi.

Ngoài ra, đàn ông ở độ tuổi 50, 60 trở lên có khả năng sinh ra đứa trẻ mắc hội chứng Apert (hội chứng sọ mặt) cao hơn 10 lần so với đàn ông từ 30 tuổi trở xuống. Một nghiên cứu khác của Học viện Karolinska, Thụy Điển cũng cho thấy những đứa con của đàn ông từ độ tuổi 55 trở lên có khả năng bị rối loạn lưỡng cực cao hơn 1,37 lần so với những đứa con của các ông bố trẻ

Những điều bố mẹ lớn tuổi cần lưu ý khi sinh con

Với những trường hợp thực sự muốn có thêm con, các ông chồng và các bà vợ lớn tuổi cần khám tổng quát để có thể phát hiện kịp thời bệnh lý nếu có, nên lưu ý đặc biệt đến những vấn đề sau:

- Làm xét nghiệm máu để kiểm men gan, đường huyết, mỡ máu và phát hiện một vài bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: HIV, viêm gan siêu vi B, gene, nhiễm sắc thể.

- Kiểm tra huyết áp và cholesterol để đánh giá tình trạng sức khoẻ nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng

- Làm tinh dịch đồ để kiểm tra số lượng tinh trùng và tình trạng của tinh trùng

- Kiểm tra nội tiết tố để biết chất lượng trứng.

- Chụp tử cung vòi trứng để xem có dấu hiệu bất thường ở vòi trứng không, tránh trường hợp mang thai ngoài tử cung, chửa trứng…

- Kiểm tra tính di truyền và xin ý kiến của bác sĩ nếu trong gia đình có người thân bị bệnh di truyền (như máu không đông, thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm…) hay bị rối loạn nhiễm sắc thể (bệnh Down), chậm phát triển trí tuệ, mắc các dị tật bẩm sinh hay khuyết tật ống thần kinh… nếu nghiêm trọng sẽ được thông báo về nguy cơ tiềm ẩn.

- Đặc biệt, vợ chồng bạn cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp đang bị bệnh mãn tính, hay đang dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Vì một số loại thuốc ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng tinh trùng (như thuốc trị cao huyết áp, thấp khớp, kháng sinh, động kinh…)

- Các ông bố cũng nên hạn chế và tiến đến từ bỏ thuốc lá hay các chất kích thích như rượu, bia, cà phê… nếu muốn có con, nhất là khi đã lớn tuổi.

- Cả bố và mẹ cần bổ sung dinh dưỡng giàu axit folic và vitamin C để tăng cường chất lượng tinh trùng.
Theo Web Phụ Nữ