Cây xanh Hà Nội tạm an toàn trước 'chiến dịch thay thế'

22:43 |

Việc đốn hạ hàng loạt cây xanh tại Hà Nội đã được tạm dừng bởi chỉ thị của chủ tịch thành phố, cây xanh lâu năm nơi đây đã tạm an toàn trước 'chiến dịch thay thế' khó hiểu.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, "chiến dịch" đốn hạ để thay thế hàng loạt cây xanh tại Hà Nội đã bị đình chỉ, nguyên nhân thì ai cũng đã rõ, đó là việc quy hoạch thay thế này hết sức khó hiểu và đi ngược lại với ý kiến của người dân thủ đô. Hầu hết mọi người khi được hỏi về vấn đề này đều tỏ ra bức xúc và không thể hiểu nổi vì sao lại có kế hoạch đồng loạt đốn hàng hàng ngàn cây xanh lâu năm của thủ đô Hà Nội một cách ồ ạt như vậy khi không có phương án nào giữ được mảng xanh quan trọng của thành thị, các cây đang xanh tốt khỏe mạnh cũng bị đốn bỏ cực kỳ phí phạm.

Chẳng mấy khó khăn để đọc thấy những phần bình luận có kèm những giải pháp rất chi hợp lý như thay thế dần, xen kẽ để vẫn giữ được mảng xanh cho Hà Nội, hay độ phù hợp của loại cây mới được đem đến trồng thay thế, nguy cơ nào trong tương lai,...chúng ta đều có thể đọc thấy những nội dung như thế trong bài Hà Nội dừng chặt hạ cây xanh hoặc các bài viết liên quan về chủ đề này trên báo VnExpress như sau:

Chủ tịch thành phố yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.

Quyết định trên được Chủ tịch Hà Nội đưa ra tại cuộc họp với các đơn vị liên quan sáng 20/3. Theo đó, sau khi kiểm tra tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, các đơn vị dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay. Những cây đã hạ chuyển thì phải thay cây mới đảm bảo mật độ theo quy hoạch, hoàn thiện hè đường, đảm bảo giao thông đô thị; tổ chức chăm sóc, quản lý theo phân cấp, quy định.



Việc chặt hạ cây xanh của thành phố Hà Nội gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Quý Đoàn.

Ông Thảo yêu cầu Sở Xây dựng phải rà soát, phân loại lại tiêu chí cây, xác định đúng đối tượng cây phải bổ sung, thay thế; lập kế hoạch, lộ trình thực hiện theo phương châm từng bước; đảm bảo duy trì mật độ cây xanh thường xuyên, liên tục cho từng tuyến phố phải thay cây; tiếp tục kêu gọi nhà tài trợ đầu tư và triển khai tổ chức thực hiện đề án.

"Chỉ hạ chuyển những cây phải giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng theo quy hoạch, thay thế những cây mục ruỗng có nguy cơ đổ gãy, cây nghiêng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của nhân dân. Với những cây cong nghiêng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cây không đúng chủng loại đô thị thì thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước. Chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được", ông Thảo nói.

Người đứng đầu thành phố cho hay, phải tạo sự đồng thuận của xã hội thông qua việc tiếp thu ý kiến, đóng góp của nhân dân, tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học chuyên ngành để tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện. Việc bảo tồn, cải tạo, bổ sung, thay thế cây xanh trên địa bàn Thủ đô là việc làm cần thiết liên quan không chỉ đến quản lý phát triển đô thị mà còn là tâm tư tình cảm của nhân dân Thủ đô.



Thành phố Hà Nội dừng việc thay thế cây xanh để rà soát lại. Ảnh: Quý Đoàn.

Chủ tịch Hà Nội cũng hoan nghênh báo chí đã phản ánh kịp thời ý kiến dư luận. Thành phố bày tỏ mong muốn luôn nhận được đóng góp xây dựng trong thời gian tới, tất cả vì mục tiêu phát triển Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp - hiện đại.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội công bố đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị và đưa ra đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây. Kế hoạch này vấp phải làn sóng phản đối của người dân thủ đô.

Người dân đã dán khẩu hiệu "đừng chặt tôi" lên thân cây, lập trang web "6.700 người vì 6.700 cây xanh" - trong vài ngày thu hút gần 35.000 "like". Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, GS Ngô Bảo Châu cũng gửi thư ngỏ đến lãnh đạo thành phố, đặt ra nhiều câu hỏi với nhà chức trách, trong đó thắc mắc "tại sao từ trước đến nay Công ty Công viên cây xanh vẫn duy tu, bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây?".



Kết quả lấy ý kiến bạn đọc VnExpress hơn một ngày qua.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long trước đó cho rằng, không cần hỏi dân việc thay thế cây xanh vì đó là trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước.

Cũng trong phần bình luận của bài báo ở trên, nhiều người đã biểu lộ sự vui mừng khi việc đốn hạ hàng loạt cây cổ thụ của Hà Nội được dừng lại, cho thấy kế hoạch thay thế cây xanh lần này thật sự quá tệ, thiếu suy nghĩ thấu đáo, không xứng là một kế hoạch được đưa ra và duyệt qua bởi những tổ chức có trình độ chuyên môn, một vài ý kiến còn muốn truy hỏi đến trách nhiệm của vụ việc thuộc về ai nhưng dù sao thì việc chặt phá bị dừng lại cũng đủ làm mọi người vui mừng mà tạm bỏ qua phần này, cứ vui đi đã rồi tính sau.

Thanh Thái

Hầm chui đầu tư khủng tại Hà Nội đã khởi công

19:01 |

Khi nói hầm chui đầu tư khủng tại Hà Nội tức là đang nói đến nút giao Thanh Xuân với đầu tư lên tới hơn 500 tỷ đồng vừa khởi công vào sáng nay.

Đây không phải là công trình hầm chui đầu tiên tại Hà Nội nhưng lại là loại đầu tư thuộc hàng "khủng" nhất, chỉ nhìn con số 500 tỷ đồng cũng đã khiến hầu hết mọi người dân phải choáng váng, chỉ mong số tiền này được dùng thực sự hiệu quả và không hao phí vào đâu đó một cách vô ích và thiếu chính đáng. Với tin tức Bồ Câu Số, công trình hầm chui quy mô được thực hiện tại Hà Nội cũng khá hợp lý khi thành thị này vẫn đang là khu đất chật người...cực đông, giao thông khó mà thông suốt.

Hầm chui nút giao Thanh Xuân chạy theo chiều Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6, nằm phía dưới chân đường sắt trên cao tại khu Cát Linh - Hà Đông.

Đưa tin về ngày khởi công dự án này thì trên VnExpress sáng nay đã có bài Hơn 500 tỷ đồng xây hầm chui nút giao Thanh Xuân với nội dung như sau:

Hầm chui dài 980 m, rộng 14 m tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.

Sáng 28/6, dự án xây dựng hầm chui Thanh Xuân (ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Hà Nội) đã chính thức khởi công. Theo đó, hầm chui được xây dựng theo hướng Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 để tách phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi khỏi khu vực giao cắt.

Dự án trị giá trên 500 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản (phần còn thừa của dự án đường vành đai 3 trên cao), gồm một đường hầm và đường dẫn vào hầm tổng chiều dài 980 m. Trong đó, chiều dài của phần hầm kín là 109 m, mặt cắt ngang 14 m, bốn làn xe chạy.

Thiết kế tổng thể dự án hầm chui qua nút giao Thanh Xuân.

Do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) và Liên danh nhà thầu Hanshin (Hàn Quốc) thực hiện, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: "Đây là gói thầu phức tạp, vì nút giao này có tới 3 tầng là đường vành đai 3 trên cao, tàu điện trên cao và đường bộ. Việc thi công đòi hỏi phải tập trung cao độ và có phương án tối ưu để không ảnh hưởng kết cấu công trình khác và giao thông".

Thứ trưởng Trường cũng cho rằng, dự án hoàn thành sẽ góp phần giảm tải giao thông, xung đột và giảm tai nạn qua nút giao Thanh Xuân. Để nhà thầu thi công đúng tiến độ và đảm bảo an toàn, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị thực hiện.

Với việc xây dựng dự án đường hầm chui này, nút giao Thanh Xuân sẽ có bốn tầng xe chạy. Gồm đường vành đai 3 trên cao, đường sắt trên cao, đường bộ và hầm chui.

Chỉ mới khởi công chưa thực sự vào giai đoạn quan trọng để đánh giá hay có thành quả gì để vui mừng, song công trình hầm chui nút giao Thanh Xuân cũng cho một tia hy vọng về quy hoạch thủ đô tốt hơn, khoa học hơn, giao thông khá hơn; thời gian thi công và kết quả hoàn tất công trình thế nào cũng là điều nhiều người lưu tâm tới.

Hạt Đậu Nhỏ

Lại thêm clip phòng thi tại Hà Nội vi phạm quy chế

17:37 |

Lại vừa xuất hiện thêm một clip quay lén được tình trạng vi phạm quy chế thi tại một phòng thi ở Hà Nội, chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng đã xác nhận việc này và đang giải quyết vụ việc.

Ảnh minh họa

Theo ông Bằng cho biết, clip này được quay tại hội đồng thi THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội). Không có hiện tượng giải bài và ném bài giải tập thể như ở THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) năm trước, vi phạm ở điểm thi này là thí sinh copy bài thi của nhau nhưng giám thị không xử lý hoặc làm ngơ bỏ ra hành lang đứng nói chuyện với giám thị biên.

Chánh thanh tra Bằng cũng cho biết là ngoài clip quay tại THPT Quang Trung thì Bộ chưa nhận được clip tiêu cực ở điểm thi nào khác, ông nói: "Sở GD&ĐT Hà Nội đã báo cáo với Bộ và xin ý kiến UBND TP Hà Nội về hình thức kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên liên quan. Hướng xử lý của Hà Nội rất nghiêm, đúng theo chỉ đạo của Bộ".

Phía đại diện Sở GD&ĐT cho biết, clip vi phạm quy chế được ghi lại ở trường Quang Trung vào ngày thi cuối (4/6). Trước đó một hôm, đoàn thanh tra của Bộ đã đến kiểm tra và kết luận tổ chức coi thi chặt chẽ, an toàn, nghiêm túc. Sau khi clip này xuất hiện, Sở đã báo cáo, giải trình và người nào vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Người đại diện Sở nói: "Các thầy cô ở đây đã nhận thức không đúng, nghĩ giản đơn, lơ là quy chế, trách nhiệm. Mặc dù vậy, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm để thầy cô đi làm thi lớp 10 sắp tới phải nghiêm túc, đồng thời là bài học kinh nghiệm cho kỳ thi tốt nghiệp năm sau", vị này còn cho biết các hội đồng thi khác đều báo báo cáo là ổn định.

Sơ lược về tổ chức của Hội đồng thi THPT Quang Trung năm nay: có 23 phòng, 600 thí sinh làm bài thi dưới sự giám sát của 62 giám thị đến từ THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trúc Động, Trung tâm GDTX Thạch Thất và Phòng Giáo dục quận Hà Đông.

Cách đây chưa lâu, vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy chế thi tại trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trong đợt thi tốt nghiệp năm 2012 đã gây xôn xao dư luận khi một học sinh đã dùng bút bi có chức năng quay video ghi lại hình ảnh giám thị ném bài vào phòng thi, thí sinh thoải mái trao đổi, chép "phao"...và tải clip này lên mạng.

Thí sinh quay clip sau đó được xác định là vi phạm quy chế thi khi đưa thiết bị có linh kiện điện, điện tử vào phòng. Tuy nhiên, sau khi luận công xét tội và ghi nhận ý kiến dư luận, nhận định việc quay clip đó là nhằm tố cáo gian lận trong thi cử nên Sở Giáo dục Bắc Giang quyết định không hủy kết quả thi của thí sinh.

Năm 2013, Bộ GD&ĐT bổ sung vào quy chế thi tốt nghiệp, cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi, không có chức năng phát trực tiếp vào phòng thi. Đây được xem là tăng thêm một kênh giám sát để các kỳ thi có thể nghiêm túc hơn.

Theo VnExpress