Tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng bởi vấn đề biển Đông

16:38 |
Dù cố gắng giữ hòa bình và ổn định cho đất nước nhưng tốc độ tăng trưởng GDP 2014 của Việt Nam vẫn sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi vấn đề căng thẳng trên biển Đông.

Phần lớn người Việt đều rõ rằng lưu lượng hàng hóa luân chuyển ra vào thị trường Việt đa số đều bắt nguồn từ Trung Quốc, các họat động giao thương giữa hai quốc gia cũng sôi nổi nhất so với các nước khác, do đó sẽ khó tránh khỏi việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng xấu khi tranh chấp chủ quyền giữa nước ta và phía Trung Quốc ngày càng căng thẳng bởi các hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên biển Đông.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành dự đoán mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014.

Để làm rõ hơn vấn để này, trên tờ VnExpress đã có bài báo đăng tải trong hôm nay với những phân tích của các chuyên gia kinh tế về chi tiết sự ảnh hưởng u ám kể trên, blog tin tức Bồ Câu Số xin được trích lại như sau:

...Trao đổi với báo chí bên lề buổi công bố báo cáo thường niên kinh tế năm 2014 hôm qua, ông Nguyễn Đức Thành nhận định kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay và năm tới, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Trong báo cáo mới công bố, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ đạt 4,15 - 4,88%, thấp hơn năm 2013 cũng như mục tiêu Quốc hội đề ra. Đâu là nguyên nhân để ông và nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo này?

- Đầu năm, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 5,4 - 5,5%, song vì cú sốc trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nên nhóm nghiên cứu phải tính toán lại, bởi các doanh nghiệp cũng như Chính phủ sẽ có thay đổi để thích nghi, từ đó có thể tạo ra sự suy giảm nhất định.

Có hai kịch bản được đưa ra. Một là Trung Quốc có ý đồ thực sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam thì kinh tế trong nước sẽ ảnh hưởng lớn. Còn trong trường hợp Trung Quốc chỉ gây áp lực về chính trị, kinh tế giữa hai nước vẫn bình thường thì tăng trưởng sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp tăng trưởng kinh tế đều chỉ dưới 5%, bởi doanh nghiệp lo ngại sẽ khiến hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chúng tôi dự báo cú sốc này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm nay và cả năm sau.

- Vậy Việt Nam cần làm gì để hạn chế những tiêu cực nếu căng thẳng hai nước lên cao, đặc biệt khi giao thương với Trung Quốc hiện vẫn đóng vai trò quan trọng?

- Thực ra cú sốc này là cơ hội để Việt Nam tự nhìn lại mình, rằng khi quan hệ tốt đẹp thì giao thương kinh tế với Trung Quốc trôi chảy, nhưng khi không tốt thì chúng ta mới thấy mình lệ thuộc nhiều. Do đó, Việt Nam cần có sự chuyển hướng, tăng cường khả năng sản xuất, tự cung ứng nguyên liệu và tìm các đối tác tương đương hoặc tốt hơn Trung Quốc, như các quốc gia trong khu vực ASEAN hay Hàn Quốc, một đối tác có khả năng thay thế đầu vào khá tốt hiện nay.

Trong nội bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân phải linh hoạt hơn, tìm sẵn nguồn nguyên vật liệu thay thế. Khu vực Nhà nước cũng phải có kế hoạch hỗ trợ để không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Những việc trên hoàn toàn khả thi. Nếu không thực hiện, kinh tế Việt Nam sẽ ngay lập tức vấp phải khó khăn trong tương lai. Ví dụ, khi Việt Nam và Trung Quốc hữu hảo thì lượng khách du lịch đến rất động, nhưng bây giờ nguồn khách bị chặn đứng. Xuất khẩu gạo, cao su cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Việt Nam cũng nhập nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc vì hàng hóa, máy móc của họ giá rất rẻ, cho phép doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh hơn. Song, việc làm này hiện nay cần phải nhìn lại. Các doanh nghiệp nên tái cơ cấu chu trình sản xuất của mình, nhập những máy móc, hàng hóa có giá trị cao hơn. Tuy vòng quay vốn sẽ kéo dài nhưng sẽ hạn chế được rủi ro, sự bất nhất và không thể dự báo được trong mối quan hệ với Trung Quốc.

- Ngoài rào cản từ mối quan hệ với Trung Quốc, theo ông Việt Nam tăng trưởng thấp còn do những yếu tố nào?

- Theo phân tích của chúng tôi, ràng buộc tăng trưởng kinh tế còn nằm ở những yếu tố như cơ sở hạ tầng, thể chế pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, sự phát triển của trung gian tài chính và nguồn nhân lực… Ngay cả hoạt động xuất khẩu, Việt Nam cũng phụ thuộc vào nguyên liệu thô, nếu không thay đổi, khi hội nhập chúng ta chỉ có lợi thế ban đầu nhưng sau đó những bất lợi có thể lấn át.

Việc đưa ra những ràng buộc trên cốt để thấy Việt Nam nên có định hướng rõ ràng hơn để loại bỏ những cản trở, đưa kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng cao hơn. Chẳng hạn như phải cải thiện, nâng cao chất lượng của hệ thống trung gian tài chính nhằm dẫn vốn cho nền kinh tế tốt hơn. Đặc biệt, thể chế và thủ tục hành chính phải hỗ trợ để giảm chi phí cho doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư.

- Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư và doanh nghiệp sẽ phải làm gì để vượt qua khó khăn?

- Môi trường đầu tư quan trọng nhất là phải bảo vệ nhà đầu tư, các thủ tục hành chính hỗ trợ cho việc kinh doanh cũng phải dễ dàng, tránh thiên vị giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Do đó, chính quyền địa phương phải cải thiện thủ tục hành chính để bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư.

Đối với nợ xấu, theo tôi tiến trình xử lý hiện nay mới chỉ ở bước đầu là thống kê các khoản nợ trong hệ thống ngân hàng thương mại mà chưa có bước cụ thể gây dựng thị trường giải quyết số nợ này và tạo cơ hội cho các ngân hàng xây dựng một chu trình cho vay mới. Điều này có nghĩa hiện nay chưa có dòng tiền thực để mua nợ xấu, cắt bỏ nó đi hay cho phép tổ chức trong và ngoài nước mua. Do vậy, cần có thêm những công cụ xử lý nợ xấu bên cạnh việc mua bán nợ qua Công ty Quản lý tài sản VAMC.

Tín dụng hiện nay cũng không tăng được do rủi ro từ phía cầu. Bản chất doanh nghiệp có muốn vay hay không, muốn mở rộng sản xuất hay không? Nếu họ chưa có các nhu cầu trên và lãi suất còn cao so với rủi ro phải chịu thì doanh nghiệp sẽ không tiếp cận tín dụng.

Trong hoàn cảnh này, tôi đánh giá doanh nghiệp Việt Nam đang chịu tác động lớn hơn từ các điều kiện vĩ mô, do vậy cần cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ những rào cản tăng trưởng. Bản thân doanh nghiệp cũng phải linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm các nguồn lực và cơ hội kinh doanh mới. Tránh việc chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi những tin đồn, cú sốc tác động tới quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.

Việc giảm tốc tăng trưởng GDP hiển nhiên là không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh hiện nay, và nguồn gốc gây ra điều đáng tiếc này không ai khác là nhà cầm quyền Trung Quốc trong loạt hành động ngang ngược và phi lý trên biển Đông vài năm qua mà đỉnh điểm hiện nay là vụ giàn khoan Hải Dương 981, nhưng với sự cố gắng và xử lý khéo léo khôn ngoan từ nhà nước ta mà kinh tế vẫn ổn định và không bị trôi tuột vào một tình cảnh tồi tệ hơn thế.

Hạt Đậu Nhỏ

Mỹ, quốc hội Việt, biển Đông và nhiều trọng điểm khác

22:25 |
Trong vài ngày tới, đại diện phía Mỹ về các vấn đề châu Á Thái Bình Dương sẽ gặp gỡ quốc hội Việt Nam để thảo luận nhiều vấn đề trọng điểm như Hiến Pháp, nhân quyền,..và cả vấn đề biển Đông.

Thể hiện sự quan tâm của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như thể hiện sự hỗ trợ và góp ý xây dựng cho quốc hội Việt Nam trong việc triển khai Hiến Pháp mới, đảm bảo nhân quyền và một số vấn đề trọng yếu khác, nổi bật là muốn biết thái độ của nước ta trước tình hình căng thẳng ở biển Đông trong nhiều tuần qua. Thông tin trên được ông Trần Văn Hằng là chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết trong một buổi phỏng vấn trao đổi nhỏ bên ngoài kỳ họp sáng 26/5 nay.

Ông Trần Văn Hằng trong một lần trả lời phóng viên.

Thực ra đây cũng là một buổi gặp mặt hữu nghị và giao lưu trao đổi trên tinh thần hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa đại diện hai nước Việt - Mỹ trong nhiều vấn đề chung có ảnh hưởng qua tới đôi bên ở nhiều phương diện trực tiếp cũng như gián tiếp, và cũng là thể hiện thiện chí của nước ta cho thế giới thấy một Việt Nam tốt hơn và tốt hơn nữa trong mắt bạn bè năm châu về sự văn minh và đảm bảo đời sống nhân dân. Sau đây blog tin tức Bồ Câu Số sẽ trích dẫn nội dung bài báo được đăng trong trưa nay trên trang VnExpress về vấn đề này qua phần phỏng vấn nhanh ông Trần Văn Hằng:

...

- Trong chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tại Việt Nam từ 27/5 tới, hai bên sẽ trao đổi những nội dụng gì?

- Nội dung dự kiến thảo luận lần này nhiều vấn đề, trong đó có tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam - Mỹ. Thứ hai, họ muốn tìm hiểu thái độ, chủ trương của ta với vấn đề Biển Đông vừa rồi. Thứ ba là việc triển khai thực hiện Hiến pháp mới, đặc biệt là vấn đề nhân quyền 2013. Về vấn đề này, nhận thức và quan điểm của hai bên còn khác nhau, do đó cuộc trao đổi đối thoại này là cơ hội để hiểu nhau hơn, xử lý vấn đề nhân quyền phù hợp hơn.

- Nội dung Biển Đông sẽ được chúng ta đề cập như thế nào?

- Mỹ đã có phản ứng tích cực từ Chủ tịch Thượng viện tới các nhóm nghị sĩ. Trong cuộc làm việc sắp tới, Việt Nam vẫn giữ quan điểm là dùng nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền. Không ít người chưa thực sự hiểu rõ về vấn đề này nên chúng tôi sẽ cung cấp cho họ cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền, để họ có cái nhìn khách quan, phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị các nước phải có tiếng nói phù hợp với luật pháp quốc tế.

- Trong nỗ lực xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ giữa hai nước, năm 2006, Mỹ đã bỏ lệnh cấm bán trang thiết bị quân sự phi sát thương cho Việt Nam. Tuy nhiên, lệnh cấm bán vũ khí sát thương vẫn chưa được dỡ bỏ do quan điểm hai bên còn khác biệt về vấn đề nhân quyền. Việc này sẽ được bàn thảo ra sao?

- Việt Nam và Mỹ đã ký hiệp định về vấn đề hạt nhân dân sự. Còn nội dung bán vũ khí sát thương vẫn đang được bàn và lần này ta sẽ đề xuất bàn kỹ, bởi trong chương trình, đoàn nghị sĩ Mỹ có làm việc với Bộ Quốc phòng. Quan điểm của chúng tôi là nên tiếp tục nêu vấn đề này.

- Tuần tới, Việt Nam sẽ chính thức tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc, vậy chúng ta tham gia vào những hoạt động, mức độ nào?

- Chúng ta đã có quyết định cử hai sĩ quan liên lạc tham gia vào phái bộ gìn giữ hòa bình quốc tế ở Châu Phi. Hai sĩ quan này sẽ làm nhiệm vụ liên lạc giữa các tổ, đội của phái bộ Liên Hợp Quốc và chịu sự điều hành của phái bộ do Tổng thư ký cử.

Sau đó nếu tham gia với lực lượng lớn hơn thì phải có nghị quyết của Quốc hội. Tham gia ở quy mô nào nào phụ thuộc vào trình độ lực lượng của ta. Một khi đã tham gia, tất nhiên phải có kế hoạch, lộ trình đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc để chứng tỏ rằng chúng ta tham gia là để đóng góp cho công cuộc gìn giữ hòa bình.

Mới tham gia vào lực lượng này nên việc học tập kinh nghiệm là mục tiêu chính.

- Quốc tế bày tỏ gì khi Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc?

- Hiện không có e ngại nào cả. Ngược lại, cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh. Điều này cũng cho thấy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, có uy tín. Bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Qua các câu hỏi của phóng viên cũng như phần trả lời của chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đã cho thấy rằng mọi thứ đều nằm trong khuôn khổ kế hoạch được lên từ trước như một hoạt đồng thường niên quen thuộc có ích cho việc xây dựng đất nước ở nhiều mặt cũng như là cơ hội cho quốc tế thấy và ủng hộ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là sự đồng lòng đứng về phía ta trong vấn đề biển Đông.

Hạt Đậu Nhỏ

Một Việt Nam dũng cảm truyền cảm hứng cho Asean

00:37 |
Đây là lời của tổng thống Philippines được báo giới nước này đăng tải lại khi ngợi ca sự can đảm của Việt Nam trong việc xử lý tranh chấp trên biển Đông là đã truyền cảm hứng cho Asean, cũng như toàn bộ nhân dân các nước trong khối liên hiệp này.

Tuy đây không phải là tuyên bố chính thức của vị nguyên thủ quốc gia Philippines nhưng được ông nói ra công khai trước mọi người cho thấy thái độ thân thiện và hợp tác chặt chẽ của quốc gia này với Việt Nam. Lời nói này được thốt ra sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục khẳng định quan điểm cứng rắn nhưng tôn trọng giao hảo của Việt Nam, kiên quyết giữ vững chủ quyền và hòa bình trong khu vực, không chỉ ở các cuộc gặp mặt chính thức với tư cách đại diện quốc gia mà trong các bữa tiệc giao thiệp với các chính khách, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thể hiện rõ quan điểm này của nước ta, đây là điều khiến tổng thống Philippines ca ngợi Việt Nam.

Ảnh chụp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay ở Manila trong chuyến thăm Philippines

Chi tiết cũng như dẫn chứng cụ thể về những điều nói trên được báo VnExpress đăng tải vào chiều tối hôm nay 22/5 với nội dung mà blog tin tức Bồ Câu Số xin được trích lại như sau:

... Báo Philippine Star hôm qua đưa chi tiết các phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề Biển Đông. Báo này cho hay Trong cuộc họp báo chung với tổng thống nước chủ nhà, Thủ tướng chỉ trích việc Trung Quốc khiêu khích, hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông và triển khai các tàu tuần duyên, tàu hải quân bảo vệ giàn khoan sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế Việt Nam.

"Ông Dũng nhấn mạnh hành động của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, tự do đi lại ở Biển Đông", báo viết. Trong thông cáo chung, lãnh đạo hai nước nhất trí phản đối hành vi vi phạm của Trung Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ.

Tại buổi tiệc tối ở đại sảnh tổng thống, Thủ tướng một lần nữa tuyên bố Trung Quốc "xâm phạm nghiêm trọng vùng biển các nước ven biển" khi hạ đặt trái phép giàn khoan 981. Báo dẫn lời ông kêu gọi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hơn bao giờ hết cần lên tiếng trước những hành động hăm dọa của Trung Quốc.

"Hơn bao giờ hết, ASEAN và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ phản đối những hành động vi phạm nghiêm trọng này, đảm bảo tuân thủ nghiêm luật quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực vào trên thế giới", Thủ tướng nói.

Báo Philippine Daily Inquirer cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra "quyết liệt" trong bài phát biểu. Trong khi mạng lưới truyền hình, phát thanh lớn ở Philippines GMA Network thì dẫn lời tổng thống Philippines cho rằng "sự dũng cảm và sức mạnh" mà chính phủ Việt Nam thể hiện khi bảo vệ quyền lợi của nhân dân họ là "nguồn cảm hứng" đối với nhân dân ASEAN.

GMA Network cho biết tuy ông Aquino không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, Tổng thống Philippines nói ông và Thủ tướng Việt Nam đã thảo luận về cách hai nước cải thiện năng lực phòng thủ và "khả năng tương tác khi giải quyết những thách thức an ninh"...

Hiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang thăm Philippines theo lời mời chính thức từ ông Aquino là tổng thống của nước bạn kết hợp tham dự dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2014. Về việc truyền cảm hứng cho nhân dân các nước Asean thì đây không phải lần đầu Việt Nam làm được điều này, trước đây trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ nước ta cũng đã làm được điều tương tự với tiếng vang lớn hơn và ảnh hưởng sâu rộng hơn, những thành quả đáng tự hào khi được nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ và khen tặng.

Hạt Đậu Nhỏ - bocauso.com