Bài PR cho máy tính bảng 3G Asus Fonepad 7 và 8

23:50 |

Trên trang Số Hóa vừa có một bài PR cho máy tính bảng 3G Asus Fonepad 7 và 8 với đầy đủ thông tin tích cực về máy, rất đáng đọc.

Hầu hết trên các trang công nghệ khác nhau bao gồm cộng đồng và tạp chí đều nói nhiều về các đời smartphone thuộc những thương hiệu khác nhau nhưng hiếm khi nói đến mảng sản phẩm máy tính bảng, phần nhiều là do iPad của Apple quá "bá đạo" trong lĩnh vực này. Dù vậy thì mới đây trên trang Số Hóa đã có một bài PR cho máy tính bảng 3G của hãng Asus với hai chiếc Fonepad 7 và 8, tuy không "ghê gớm" như thiết bị cùng loại của "quả táo khuyết" nhưng vẫn là một sản phẩm đáng để lưu tâm.

Vậy Asus Fonepad 7 và 8 có gì mới lạ hoặc hay ho đáng tiền để chúng ta phải cân nhắc đến khả năng mua về sử dụng? Một loạt lời giới thiệu theo hướng tích cực về dòng máy này của Asus qua bài Lựa chọn máy tính bảng 3G Asus Fonepad 7 hay 8 sẽ cho chúng ta rõ hơn, bài viết như sau:

Những người làm việc, giải trí nhiều nên chọn model có màn hình to, trong khi máy Fonepad 7 phù hợp cho nhóm khách hàng ưa sự nhỏ gọn.

Với nhiều cải tiến về thiết kế, phần cứng và phần mềm, thế hệ Fonepad mới hứa hẹn giúp Asus ghi điểm trên thị trường máy tính bảng. Nằm trong đợt tung ra các dòng sản phẩm mới cuối năm 2014, Asus Fonepad 8 (FE380CG) và Fonepad 7 thế hệ thứ 3 (FE375CXG) được đánh giá là những “quân bài” chủ lực nhằm hướng đến những người dùng trẻ, sử dụng máy tính bảng với các chức năng tích hợp như 3G, Wi-Fi, gọi điện…



Màn hình lớn 8 inch cho trải nghiệm dễ chịu khi làm việc hay giải trí.

Cả hai sản phẩm được trang bị vi xử lý lõi tứ công nghệ 64 bit Intel Atom Z3530 xung nhịp 1,33GHz cùng kiến trúc mới 22nm, đi cùng GPU PowerVR G6430 giúp tăng tốc xử lý hình ảnh, cho các khung hình mượt mà và màu sắc chân thực. Các tác vụ cơ bản như lướt web, chuyển màn hình, gọi điện, nhắn tin, vào danh bạ, xem video đều mượt mà.

So với thế hệ cũ, sự chênh lệch về tốc độ thể hiện khá rõ khi máy bật các ứng dụng hay game nặng. Lúc này sản phẩm có thời gian tải nhanh hơn hẳn. Hình ảnh đồ họa trong game chuyển động trơn tru, không có hiện tượng giật lag trong khi sử dụng. Công nghệ chip siêu tiết kiệm năng lượng của Intel giúp bộ đôi sản phẩm có thời lượng sử dụng từ 8 đến 12 giờ liên tục trong khi vẫn đảm bảo hiệu suất hoạt động ấn tượng.

Bên cạnh đó, với khả năng nghe gọi, nhắn tin như smartphone, kết nối di động 3G, 2 SIM, khe cắm thẻ nhớ có thể hỗ trợ thẻ lên tới 64GB, Asus Fonepad sẽ là sự lựa chọn hợp lý với người dùng.

Về phần mềm, cả 2 sản phẩm đều sử dụng hệ điều hành Android 4.4 KitKat tối ưu cho máy tính bảng với giao diện ZenUI trực quan. Thao tác vuốt từ trên xuống ở phía bên trái sẽ mở ra thanh thông báo, còn nếu vuốt ở phía bên phải sẽ hiện ra thanh thiết lập nhanh tiện lợi. Máy được tích hợp sẵn khá nhiều tính năng của Asus như What's Next có chức năng tương tự như một quyển sổ sắp xếp, quản lý, cảnh báo công việc. ZenLink là tập hợp các phương thức giao tiếp chia sẻ dữ liệu của chiếc máy tính bảng này với các thiết bị khác một cách tiện lợi. Open Cloud để liên kết với các dịch vụ chia sẻ điện toán đám mây One Drive, Google Drive, Power Saver giúp tiết kiệm năng lượng, công nghệ Miracast cho phép truyền nội dung một cách nhanh chóng...

Điểm khác biệt chủ yếu của 2 sản phẩm nằm ở kích thước màn hình và thiết kế. Asus Fonepad 8 (FE380CG) có vẻ đẹp mạnh mẽ và lịch lãm với lớp vỏ vân chìm sang trọng, trơn mịn và không bám vân tay. Đây là chiếc tablet 8 inch đầu tiên của Asus và cũng là một trong những chiếc máy tính bảng 8 inch có bề ngang nhỏ nhất thế giới hiện nay, chỉ 12cm.

Thiết kế viền bezel siêu mỏng tăng tỷ lệ diện tích màn hình lên tới 72,2%. Với thiết kế nhỏ gọn, việc sử dụng trở nên dễ dàng và thoải mái, kể cả khi cầm bằng một tay, trong khi vẫn đảm bảo được màn hình lớn cho trải nghiệm giải trí và lướt web.Thông số màn hình ở mức tốt với độ phân giải HD (1280x800), tấm nền IPS, góc nhìn rộng, chống chói.



Sắc màu cá tính, năng động của Asus Fonepad 7.

Asus Fonepad 7 (FE375CXG) là chiếc máy tính bảng Fonepad 7 thế hệ thứ 3 với nhiều cải tiến nổi bật. Thay vì lớp vỏ bóng bảy ở người tiền nhiệm, sản phẩm này mang vỏ polycarbonate hơi sần, cảm giác mềm mại và chắc tay khi cầm. Điểm mạnh của chất liệu này là không bám dấu vân tay, dễ lau chùi nhưng vẫn giữ được sự sang trọng cần thiết.

Màn hình cảm ứng đa điểm 7 inch, tấm nền IPS, độ phân giải HD (1280x800), Asus FonePad 7 hiển thị màu sắc, hình ảnh sắc nét, trung thực ngay cả ngoài trời và cho góc nhìn rộng đến 178 độ.

Cả 2 sản phẩm đều có camera sau độ phân giải 5MP, công nghệ chụp ảnh PixelMaster với nhiều chế độ chụp độc đáo và sáng tạo. Nhưng có một khác biệt khi Fonepad 8 (FE380CG) được trang bị camera trước 2MP trong khi camera trước của Fonepad 7 chỉ có 0,3MP.

FE375CXG bán với giá 3,99 triệu đồng, còn FE380CG giá 4,99 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Cả 2 sản phẩm đều là những ứng viên trong phân khúc máy tính bảng tầm trung. Với nhiều điểm tương đồng về cấu hình, lựa chọn sản phẩm nào chủ yếu dựa vào nhu cầu về kích thước sản phẩm.

Đối với những người có nhu cầu giải trí, hay làm việc nhiều thì nên lựa chọn màn hình cỡ lớn 8 inch sẽ mang đến những trải nghiệm tốt hơn, thoải mái hơn trong khi những người yêu thích sự nhỏ gọn, cơ động sẽ hài lòng với chiếc máu tính bảng Fonepad 7.

Vì sao tôi lại nhận định rằng bài viết nói về Asus Fonepad 7 và 8 ở trên của trang Số Hóa là dạng PR cho sản phẩm? Rất đơn giản, bởi chúng ta dễ dàng nhận ra là nội dung của nó chỉ nêu bật các ưu điểm của máy, hầu như không nói gì đến yếu điểm hay phần thua kém so với các sản phẩm cùng loại của các hãng khác, quan trọng là phần bình luận bên dưới bài viết đã được Số Hóa tắt đi mất. Dù sao đi nữa, người đọc cũng đã có khá nhiều thông tin về Asus Fonepad 7 và 8 và bản thân cũng tự so sánh được với các dòng máy khác tương tự về cấu hình lẫn giá tham khảo, vẫn có hữu ích về mặt cập nhật thông tin, bởi tôi thấy bài báo ở trên không quá sa đà vào mặt quảng bá.

Hạt Đậu Nhỏ