Cây xanh ở TP HCM sẽ được bảo vệ thật sự?

18:09 |

Lãnh đạo TP HCM vừa ra chỉ thị phải bảo vệ chặt chẽ cây xanh của thành phố nhất là khi thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, thật sự chúng sẽ được an toàn chăng?

Dù mỗi khi phát triển khu dân cư hay làm đường luôn được để tâm trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan nhưng gần như chỉ làm theo công thức, quan niệm phải bảo vệ gìn giữ cây xanh thật chặt chẽ và thực sự gần như là không có, đây là lý do vì sao nhiều cây xanh lớn nhỏ và thậm chí là những cây đại thụ lâu năm của TP HCM phải héo chết vì bị bứng bỏ hoặc bộ rể bị xâm hại nghiêm trọng mỗi khi thi công các trong trình hạ tầng kỹ thuật, đào đường xén cả gốc cây.

Mới đây một tin tức có vẻ khả quan cho tình hình này khi lãnh đạo TP HCM ra quyết định chỉ đạo các sở ngành liên quan phải hết sức gìn giữ cây xanh của thành phố khi thi công các hạng mục có đào bới mặt đường đi dây đặt ống. Bài báo TP HCM yêu cầu phải tính đến cây xanh khi làm dự án trên VnExpress có viết như sau:

Để tránh xâm hại cây xanh khi thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, TP HCM yêu cầu từ năm 2015 phải bổ sung nội dung 'thẩm định cây xanh bị tác động' trong báo cáo đánh giá dự án.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung nội dung này, đề xuất UBND thành phố ban hành quy định cụ thể để triển khai thực hiện ngay trong tháng 12.

TP HCM yêu cầu cây cổ thụ phải được bảo tồn và lập quy trình chăm sóc đặc biệt, trong trường hợp không thể giữ thì mới phải thay thế. Ảnh: Hữu Công.

Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải hoàn thành đề án quy hoạch và cải tạo hệ thống cây xanh ở các tuyến đường và đề án xác định nguy hại, đánh giá rủi ro, quản lý an toàn cây xanh đường phố tại TP HCM. Trong thời gian 2 đề án này chưa nghiên cứu hoàn thành, phải định hướng trước chủng loại cây để có kế hoạch trồng, thay thế cây bị sâu bệnh, mục, già cỗi có nguy cơ ngã đổ, buộc phải thay thế để báo cáo UBND thành phố.

Đối với cây cổ thụ, thành phố yêu cầu phải bảo tồn và lập quy trình chăm sóc đặc biệt, trong trường hợp không thể giữ thì mới phải thay thế. Nếu cây bảo tồn không phù hợp với quy hoạch cây xanh của tuyến đường thì phải có sự nghiên cứu kỹ, thận trọng không giải quyết cứng nhắc; Đối với đô thị mới, không chỉ đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch đất dành cho cây xanh mà trong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị phải quy hoạch cụ thể chủng loại cây trồng.

Theo UBND thành phố, cây xanh là một bộ phận của đô thị, không chỉ góp phần trong việc bảo vệ môi trường mà còn tạo nên bộ mặt của đô thị. Tuy nhiên, hiện việc quản lý và quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, cây xanh chưa được thật sự quan tâm đúng mức. Thời gian qua, một trong những nguyên nhân phổ biến làm đổ cây xanh trên địa bàn là do bộ rễ của cây bị xâm hại nghiêm trọng trong quá trình thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp, mở rộng đường; chỉnh trang vỉa hè; cải tạo hệ thống cấp thoát nước, ngầm hóa hệ thống điện...).

Liên quan đến việc bảo vệ cây xanh, tại cuộc họp với các sở, ngành ngày 25/11 Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho biết để phục vụ việc xây ga ngầm metro trước nhà hát thành phố (công viên Lam Sơn) nhiều cây xanh ở đây phải bị đốn và di dời. Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn thành việc thi công sẽ trồng lại để khôi phục mảng xanh cho khu vực.

Dù chỉ thị là vậy, nhưng thật khó để hiện thực hóa tối ưu tinh thần này, thiếu công trình cuộc sống có thể bớt hiện đại và tiện nghi một chút nhưng vẫn sống được, còn thiếu cây xanh sức khỏe sẽ giảm sút với cuộc sống ngột ngạt, ấy vậy độ ưu tiên mà xã hội con người chúng ta đang dành cho cây xanh vẫn thấp hơn các công trình đô thị, suy cho cùng thì trồng cây lợi tập thể kéo dài nhiều thế hệ, còn xây dựng đô thị có nhiều đường để..."ăn lợi ngay", buồn!

Hạt Đậu Nhỏ