Doanh số sữa ngoại giảm dần vì quá đắt đỏ

16:52 |

Với tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập giảm mạnh khiến nhiều gia đình bỏ sang mua sữa nội thay vì chọn sữa ngoại giá đắt đỏ như trước đây.

Vì con thơ, nhiều ông bố bà mẹ vẫn bấm bụng bỏ tiền mua những hộp sữa ngoại với giá cao chót vót về cho con dùng, dẫu mặt hàng này liên tục tăng giá với nhiều "nguyên nhân" chả biết đâu mà lần nhưng phụ huynh vẫn gồng gượng mua về chăm cho con khỏe mạnh thông minh.

Nhưng hiện nay tình hình kinh tế khó khăn và hầu như chưa có dấu hiệu phục hồi, khoản thu của nhiều nhà liên tục giảm mà chi thì cứ phải tăng do giá cả dần leo thang, lúc này sữa ngoại dần trở thành một mặt hàng xa xỉ khiến các bà mẹ khi đi chợ phải tính đến chuyện chuyển qua dùng sữa nội như Dielac, Vinamilk,...nhưng vẫn tốn bạc triệu mỗi tháng cho khoản này.

Sữa bột liên tục tăng giá, dần quá mức chịu đựng của "túi tiền" các phụ huynh nên dần bị loại bỏ

Cụ thể như chị Thu Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chuyển dần loại sữa khi con chị lên hai, chị nói: "Cố gắng cho con uống sữa 2 năm, nay con đã cứng cáp nên giờ tôi quyết định cho con chuyển sang uống sữa tươi". Với chọn lựa này, chị Giang tiết kiệm được thêm khoảng 300.000 đồng mỗi tháng.

Một bà mẹ khác là chị Ngà trên một diễn đàn của các ông bố bà mẹ cho biết chị thường tốn hai ba triệu tiền sữa cho con một tháng vì con chị uống sữa Icreo xách tay từ Nhật, mỗi hộp giá đã 760.000 đồng.

Trước đây chị tiết kiệm bằng cách mua nhiều hộp một lúc sẽ được chiết khấu vài ba phần trăm. Nhưng nay bà mẹ này phải thắt lưng buộc bụng thêm bằng cách chuyển sang sữa khác rẻ hơn. Lúc đầu chị cho con uống dòng rẻ nhất trong các loại sữa Nhật là Wakodo, nhưng sau không kham nổi lại chuyển tiếp sang sữa nội. "Trước đây 'sính ngoại' một chút cũng vẫn cố gắng được. Nhưng từ năm ngoái đến nay chồng mình bị giảm lương cắt thưởng, hộp sữa của con cũng thành vấn đề lớn", chị Ngà nói.

Đối với các ông bố bà mẹ, sữa bột lâu nay vẫn được xem là mặt hàng "thiết yếu" và quan trọng không kém gì so với cơm gạo. Do đó, trước đây dù các hãng sữa đua nhau tăng giá, phụ huynh vẫn bấm bụng cắt xén bớt các khoản khác để mua về cho con dùng.

Cái gì cũng có giới hạn của nó, ông Nguyễn Hữu Dũng là chủ một đại lý sữa, nước giải khát các loại ở phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: "Nhưng nay thì dân làm gì còn tiền nữa mà mua. Từ đầu năm đến giờ, các hãng cũng chỉ tăng giá vài lần chứ không điều chỉnh vèo vèo như hai năm trước".

Ông còn nhận thấy từ đầu năm đến nay, lần đầu tiên doanh số bán sữa giảm xuống thay vì tăng trưởng hoặc ổn định như các năm trước. Giảm nhiều nhất là các loại sữa ngoại đắt tiền hoặc sữa nước chuyên biệt, cao năng lượng và giá thành đắt đỏ. Trong khi đó, doanh số bán các loại sữa bột nội lại không giảm, thậm chí có phần nhích lên. Sữa tươi vẫn là mặt hàng tiêu thụ đều đặn không bị ảnh hưởng bởi trào lưu thắt lưng buộc bụng.

"Số lượng giảm không nhiều lắm, nhưng cũng là một hiện tượng cho thấy người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen. Trước cứ cố uống càng nhiều càng tốt, con 5 tuổi rồi vẫn uống sữa công thức, thì bây giờ ăn thêm cơm bớt sữa cũng được", ông Dũng bình luận.

Còn đại diện cho các nhà siêu thị, ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay doanh số bán sữa tại các siêu thị trong thành phố giảm khoảng 5% so với trước đây. Báo cáo từ các siêu thị về cho thấy lực mua đang chậm lại. Trước đây hộp sữa to bán chạy thì nay người ta chuyển sang mua hộp nhỏ và mua từng hộp một. Sữa ngoại, sữa đắt tiền đang dần nhường chỗ cho sữa nội, ông nói: "Sữa là mặt hàng đặc biệt nên doanh số không giảm nhiều như thực phẩm, hàng tiêu dùng, nhưng cũng cho thấy túi tiền người dân đang dần teo tóp lại".

Cũng theo ông nhìn nhận thì trên thực tế, thu nhập người dân đã giảm 50% so với trước, khiến họ bất đắc dĩ phải cắt giảm cả sữa, vốn trước đây là sản phẩm được ưu tiên nhất nhì trong giỏ đồ thực phẩm của cả gia đình, ông Phú nhận xét: "Nếu tình trạng thất nghiệp, giảm lương cắt thưởng không tiến triển, nếu các doanh nghiệp vẫn còn chết nhiều như hiện nay, người tiêu dùng sẽ còn phải cắt giảm chi tiêu thêm nhiều thứ".

Thông tin từ VNE