Triển vọng Việt Nam thành khu sản xuất chính của Samsung

00:35 |
Dường như hãng Samsung đang có ý định biến Việt Nam thành khu sản xuất chính của họ trên phạm vi toàn cầu khi xúc tiến đề nghị được hưởng ưu đãi và đưa kế hoạch dài hạn chiến lược cứ điểm sản xuất tại Bắc Ninh.

Đây có thể là triển vọng lớn và rõ ràng hơn của Việt Nam khi thành căn cứ chế tác và sản xuất mọi linh kiện thiết bị của tập đoàn khổng lồ Samsung này, nếu trước đây thế giới biết đến Đài Loan hay Trung Quốc là nơi đặt các nhà máy hay công xưởng gia công mọi thiết bị công nghệ của thế giới thì với động thái này của Samsung thì blog tin tức Bồ Câu Số có cảm tưởng rằng Việt Nam sẽ thế chỗ cho hai nơi sản xuất chính cố hữu kia.

Samsung đang muốn đầu tư mạnh vào Bắc Ninh thành cứ điểm sản xuất chính của họ.

Dẫu sao cũng cần tìm hiểu kỹ và phân tích thêm về điều này qua bài Samsung muốn Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu mà Vnepxress đã đăng hôm nay như sau:

Trước đề xuất của Samsung, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng chấp thuận xin ngân sách gần 300 tỷ đồng để hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho dự án mới trị giá một tỷ USD.

Trong văn bản vừa gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) thông báo chi tiết về kế hoạch đầu tư thêm vào khu tổ hợp công nghệ cao tại khu công nghiệp Yên Phong I, nơi đã được tập đoàn rót 2,5 tỷ USD để xây nhà máy sản xuất điện thoại di động.

Thể hiện rõ mục tiêu muốn tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất và biến Việt Nam thành "cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh", không chỉ đối với điện thoại di động mà cả các sản phẩm điện - điện tử và viễn thông khác, Samsung cho biết dự án thành phần của Samsung Display, một công ty thành viên dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2014 với tổng vốn đầu tư một tỷ USD, chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ 2014 - 2015 có trị giá 500 triệu USD, 2 giai đoạn sau (2016 - 2020), mỗi giai đoạn khoảng 250 triệu USD. Dự án sẽ sử dụng hơn 46 hécta đất, trong đó một phần để xây nhà xưởng phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp và gia công các loại màn hình cho thiết bị điện tử, phần còn lại là các khu nhà ở và công trình xã hội cho chuyên gia và công nhân.

Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sẽ có công suất 4 triệu sản phẩm một tháng, doanh thu năm đầu tiên (2015) là 1,5 tỷ USD và tăng lên 6 tỷ USD vào năm 2020. Dự án cũng dự kiến sử dụng 8.000 lao động.

Tuy nhiên, để dự án được triển khai thuận lợi, Samsung Display cũng kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh về một số ưu đãi và đảm bảo đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp muốn được thành lập theo mô hình doanh nghiệp chế xuất 100% vốn nước ngoài và được hưởng ưu tiên trong lĩnh vực hải quan.

Liên quan đến thuế, Samsung Display đề xuất được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm kể từ khi có doanh thu. Miễn thuế thu nhập trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, sau đó sẽ được giảm tiếp 50% trong 3 năm sau giai đoạn 9 năm đó.

Về cơ sở hạ tầng, dự án muốn được hưởng ưu đãi về thuê đất, được cung cấp đầy đủ điện, nước, xử lý nước thải, đường sá và cho phép xây nhà ở cho công nhân...

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh không bình luận về việc cho hay không cho Samsung Display được hưởng thuế suất 10% trong 30 năm, nhưng chấp thuận cho đơn vị này được hưởng thêm ưu đãi giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp cho 3 năm tiếp theo sau khi hết thời hạn miễn, giảm theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ gần 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động người Bắc Ninh. Mức hỗ trợ là 620.000 đồng một m2 và 1,5 triệu đồng một lao động.

Tỉnh ra điều kiện Samsung Display chỉ được hưởng hỗ trợ khi thực hiện đúng các tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao và có số thuế thực nộp vào ngân sách nhà nước. Những vấn đề trên đang được Ủy ban nhân dân tỉnh trình lên Hội đồng nhân dân quyết định.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Samsung đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 5,7 tỷ USD, trong đó có 2,5 tỷ USD vào khu tổ hợp công nghệ tại Bắc Ninh (SEV) và hơn 3,2 tỷ USD vào khu tổ hợp tại Thái Nguyên (SEVT). Riêng nhà máy tại Bắc Ninh, năm 2013 giá trị xuất khẩu đạt gần 24 tỷ USD, bằng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Qua đây cũng thấy chính sách thu hút đầu tư mà nước ta đang áp dụng vẫn rất lôi cuốn nước ngoài, độ ổn định và tính thân thiện của nhà nước ta đối với các tập đoàn lớn như Samsung đã tạo lòng tin lớn đến mức độ đủ để họ chuyển hướng cơ sở chính sang đây, có lẽ đây là một tin vui và một cơ hội cần xem xét và tận dụng cẩn thận.

Hạt Đậu Nhỏ

Apple 'dạy' Samsung nói không để hoàn hảo hơn là tốt nửa vời

21:18 |

Để khẳng định đường lối của mình và như ngầm "dạy dỗ" Samsung, Apple bắt đầu sự kiện WWDC ngày 10/6 với thông điệp phải biết nói không để hoàn hảo hơn là tốt nửa vời.


Không giống như Samsung liên tục làm mới và cho ra nhiều loại sản phẩm đa dạng, Apple lại khá im tiếng kể từ lần cuối ra mắt chiếc iPad Mini hồi giữa tháng 10/2012. Với tình hình gần 230 ngày yên ắng, Apple bị giới phân tích cho rằng đã mất đi tính sáng tạo và dần nhường ngôi cho ông vua mới nổi của làng di động thế giới là Samsung. Cho tới 10/6 này, Apple mới tổ chức hội thảo các nhà phát triển WWDC 2013 tại California (Mỹ) để nói lên đường lối của mình.

Trước khi nói tiếp về Apple, hãy cùng điểm lại vì sao Samsung lại có thể lật đổ Nokia và góp công lớn đưa Android dần vượt mặt iOS.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự thành công của Samsung trong lĩnh vực điện thoại di động là việc họ sẵn sàng thử mọi phương án và không loại bỏ bất cứ khả năng nào để tăng doanh số bán hàng. Đến nay, họ cho ra đời 26 kích cỡ màn hình smartphone và tablet khác nhau. Trong khi đa số các hãng còn e dè và cảm thấy nực cười khi sản xuất điện thoại cỡ to thì Samsung đã mạnh dạn tung ra Galaxy Note trên 5 inch (mở ra xu hướng mới khi đa số smartphone cao cấp năm nay đều có kích cỡ này). Ngược lại, Apple mới chỉ tung ra vỏn vẹn 4 cỡ màn hình cho thiết bị di động: 3,5 inch, 4 inch, 9,7 inch và 7,9 inch.

Thành công của Samsung nhờ vào sự đa dạng hóa sản phẩm hợp lý

Trên những dòng điện thoại cao cấp, như Galaxy S4, Samsung cũng tích hợp hàng loạt tính năng để phục vụ các nhu cầu khác nhau của từng nhóm người dùng như S Health cho những ai quan tâm đến sức khỏe, S Translator cho người hay đi nước ngoài, Dual Camera cho giới trẻ thích chụp ảnh nhí nhảnh...

Lại nói về Apple, sau một thời gian dài im lặng, Apple đã lên tiếng và thông điệp của họ là khẳng định đường lối chuyên biệt của mình, và cũng như ngầm ám chỉ Samsung với đường lối đa dạng hóa của họ: "Nếu mọi người cứ bận rộn làm hết cái này đến cái khác, thì làm sao mà cái gì cũng có thể hoàn hảo được? Thiết kế thứ gì đó luôn đòi hỏi sự tập trung và lựa chọn. Phải trải qua hàng nghìn lần nói không mới có được một lần nói có" - clip mở màn WWDC bắt đầu bằng những câu hỏi tu từ như vậy của Apple.

Hãng Apple cho biết thêm, điều đầu tiên họ luôn tự hỏi mỗi khi bắt tay vào thiết kế là họ mong mọi người cảm nhận thế nào: vui sướng, ngạc nhiên, say mê và kết nối. Tất cả những điều đó đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết. Khi tối giản mọi thứ để chỉ tập trung vào những điều quan trọng nhất, kết quả sẽ trở nên hoàn hảo.

Thông điệp mà Apple muốn mang đến là thiết kế và sáng tạo thực sự không đến từ việc chấp nhận mọi ý tưởng nửa vời, giới thiệu hàng loạt sản phẩm thăm dò thị trường rồi mới biết nên tiếp tục làm gì sau đó. Thiết kế và sáng tạo phải đến từ việc dũng cảm nói không và tin vào lựa chọn của mình. Huyền thoại công nghệ Steve Jobs cũng từng chia sẻ: "Tôi tự hào về những việc chúng tôi chọn không làm chẳng kém gì việc chúng tôi làm".

Một ví dụ đã được nêu ra trong vụ kiện giữa Apple và Samsung năm 2012 là Apple đã tạo tới hơn 40 mẫu thử điện thoại nhưng chỉ tung ra thị trường 5 đời iPhone (lúc đó iPhone 5 chưa chính thức ra mắt). Đây cũng là triết lý xuyên suốt của Apple mà họ muốn nói tới. Bất kể họ đã tiêu tốn tiền của như thế nào, bao nhiêu tài nguyên đã được đổ vào việc phát triển một sản phẩm, nhưng nếu nó không đủ tốt, họ sẽ nói "không".

Phương châm của Apple là luôn hướng đến sự hoàn hảo hơn là tốt nửa vời.

Theo Apple cho biết, họ đã ném đi nhiều thứ "có vẻ tốt" để theo đuổi những điều mà họ tin là "hoàn hảo". Thay vì chạy theo thị hiếu, họ giúp người dùng hiểu được vì sao phải như thế này mới là tốt nhất. Điều này cũng gói gọn trong triết lý sản phẩm của Steve Jobs: "Trong rất nhiều trường hợp, người dùng không biết họ muốn gì cho đến khi bạn chỉ cho họ thấy".

Tuy nhiên, mỗi công ty có quyền lựa chọn hướng đi khác nhau để được đạt mục đích cuối cùng là bán sản phẩm và kiếm tiền. Và dù đi theo hướng nào, Apple và Samsung đều đang chứng minh họ đã đúng khi thành công và chiếm trọn lợi nhuận thị trường smartphone.

Từ VnExpress